Hỏi - Đáp mọi thứ liên quan đến thông báo / đăng ký website với Bộ Công Thương
Hỏi: Tôi kinh doanh nhỏ lẻ / kinh doanh cá nhân / hộ kinh doanh cá thể thì có cần thông báo BCT thông? Cần những điều kiện gì?
Đáp: Có, theo quy định thì tất cả những ai có kinh doanh trên mạng internet dù là cá nhân hay tổ chức, kinh doanh nhỏ lẻ hay hộ kinh doanh cá thể… đều phải tiến hành khai báo website với Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều kiện để khai báo với Bộ Công Thương đối với kinh doanh cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể là cần đăng ký 1 mã số thuế hoặc đóng thuế môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể. Bạn có thể đến phường / xã hoặc đơn vị quản lý thuế địa phương mà bạn đang kinh doanh để đăng ký thủ tục cấp mã số thuế cá nhân hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
Hỏi: Tôi làm công ty thì thủ tục đăng ký như thế nào?
Đáp: Bạn cần cung cấp mã số thuế công ty, giấy phép kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, sản phẩm kinh doanh, và chuẩn bị toàn bộ tài liệu nội dung để làm theo các bước hướng dẫn cụ thể ở câu hỏi đáp bên dưới.
Hỏi: những thông tin gì phải thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng?
Đáp: Cá nhân, doanh nghiệp sở hữu Website thương mại điện tử bán hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin về người sở hữu website, số giấy đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ trực tuyến. Ngoài ra còn phải lập các chính sách thông tin sau:
1.Chính sách Phương thức thanh toán: Chuyển khoản hay tiền mặt
2. Chính sách bảo mật thông tin: Mục đích và phạm vi thu thập thông tin; Phạm vi sử dụng thông tin; Thời gian lưu trữ thông tin; Địa chỉ của đơn vị thu thập và quản lý thông tin cá nhân; Cam kết bảo mật thông tin cá nhân khách hàng
3. Chính sách vận chuyển
4. Chính sách đổi trả hoàn tiền
5. Chính sách về thỏa thuận dịch vụ
6. Chính sách bảo hành
Hỏi: Những thể loại website nào cần đăng ký BCT. Khi nào thì cần thông báo / đăng ký BCT?
Đáp: Theo quy định, tất cả website có hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thông báo / đăng ký BCT.
Cụ thể:
Website thương mại điện tử phải “Thông báo” là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (Website thương mại điện tử bán hàng).
Website thương mại điện tử phải “Đăng ký” là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử).
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử gồm các loại sau:
- Sàn giao dịch thương mại điện tử: Là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
- Website đấu giá trực tuyến: Là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
- Website khuyến mại trực tuyến: Là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
Ngoài website ra thì tất cả ứng dụng trên thiết bị di động cũng cần khai báo / đăng ký BCT theo thủ tục bên trên.
Hỏi: Thông báo / Đăng ký BCT khác nhau như thế nào?
Đáp: Có 2 loại là đã thông báo bộ công thương và đã đăng ký bộ công thương
Đã thông báo BCT áp dụng cho Website thương mại điện tử bán hàng.
Đã đăng ký BCT áp dụng cho Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Nhầm lẫn logo thông báo và đăng ký website thương mại điện tử?
Khoản 2, Điều 10 và khoản 2, Điều 16 của Thông tư số 47/2014/TT-BCT, chủ sở hữu website sau khi được phê duyệt, sẽ được cơ quan quản lý cấp cho một đoạn mã (là logo) “thông báo” và “đăng ký” để gắn lên website. Vậy nhầm lẫn xảy ra là gì? Tại sao lại nhầm lẫn? Khác nhau ở đây là gì?
Lý do là nhiều doanh nghiệp tự ý đưa logo đã “đăng ký”, “thông báo” Bộ Công Thương mà chưa được xét duyệt hoặc sử dụng những logo cũ đã được cấp trước đây để gắn lên website mà không hiểu bản chất 2 loại logo này, dẫn đến lầm lẫn giữa 2 logo. Cách phân biệt như sau:
Logo thông báo chỉ áp dụng cho website TMĐT bán hàng:
Logo đăng ký chỉ áp dụng cho website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như: sàn giao dịch, website khuyến mại, đấu giá:
Nếu doanh nghiệp nhầm lẫn có làm sao không?
Việc đưa logo không đúng với mô hình hoạt động doanh nghiệp bị coi là hành vi giả mạo thông tin.
Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, hành vi Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (áp dụng với tổ chức)./.
Hỏi: Tôi là người nước ngoài / Việt kiều thì có cần khai báo BCT?
Đáp:
- Có, nếu bạn có hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
- Không, nếu bạn không kinh doanh tại Việt Nam.
Hỏi: Các ngành nghề kinh doanh đặc biệt nào cần lưu ý khi đăng ký BCT?
Đáp: Nếu bạn đang kinh doanh các ngành nghề như: dược phẩm, thực phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ, sức khoẻ… bạn cần bổ sung các giấy phép kinh doanh liên quan tới ngành nghề của mình.
Các đối tượng sau đây không được lập website để kinh doanh: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại; Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến. Thông tư còn quy định chi tiết danh mục các thông tin cần công khai trên website, hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục thực hiện thông báo, đăng ký website thương mại điện tử. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20 tháng 01 năm 2015, thay thế Thông tư số 12/2013/TT-BCT ngày 20 tháng 6 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử.
Hỏi: Phải đăng ký với Bộ Công Thương khi bán hàng trên Facebook?
Đáp: Theo quy định tại Nghị định số 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, doanh nghiệp thực hiện bán hàng trên mạng xã hội Facebook không phải tiến hành thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương.
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.
Tương tự, hình thức bán hàng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như tiki, lazada, sendo, shopee... Đây là hình thức kinh doanh thông qua một bên trung gian, bên trung gian này đã thực hiện thủ tục xin giấy phép thương mại điện tử rồi hoặc giấy phép mạng xã hội rồi nên chúng ta không cần phải tiến hành việc xin bất kì giấy phép nào nữa.
Hỏi: Đăng ký BCT có mất chi phí không? Mất bao lâu để đăng ký và được cấp chứng nhận BCT?
Đáp: Không, bạn có thể tự tìm hiểu để tiến hành đăng ký toàn toàn không mất phí. Tuy nhiên, thứ bạn mất là thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị mọi giấy tờ, thủ tục để khai báo đầy đủ cho đến khi được cấp chứng nhận. Việc này có thể tốn của bạn từ 1 đến 2 tuần nếu mọi thứ xuông sẻ, hoặc 1 tháng nếu bạn kém may mắn hoặc bị từ chối do chưa khai báo đúng thủ tục yêu cầu.
Hỏi: Các bước hướng dẫn chi tiết cách đăng ký BCT?
Đáp:
Bước 1: Vào web: http://online.gov.vn/HomePage.aspx để đăng ký 1 tài khoản mới và tìm hiểu các thủ tục yêu cầu
Bước 2: Cung cấp đầy đủ các thông tin yêu cầu, cập nhật các bài viết mới lên web.
Bước 3: Thông báo với BCT và chờ duyệt.
Bước 4: Phản hồi từ BCT, bổ sung các thông tin cần thiết nếu còn thiếu.
Bước 5: Được duyệt hoặc bị từ chối. Đăng tải logo Thông báo / Đăng ký BCT lên website.
Chúng tôi đã có bài viết chi tiết, bạn có thể tham khảo tại đây: https://website500k.com/bai-viet/tat-tan-tat-ve-viec-dang-ky-bo-cong-thuong-cho-website-cua-ban
Hỏi: Khi nào phải thực hiện thông báo website thương mại điện tử bán hàng?
Đáp: Ngay sau khi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải thực hiện thông báo đến Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử của Bộ Công Thương thông qua website www.online.gov.vn.
Hỏi: Trước đây tôi kinh doanh bán hàng trên web và trên Facebook, bây giờ tôi đăng ký BCT chậm thì có bị phạt không?
Đáp: Bạn cần tiến hành đăng ký càng sớm càng tốt trước khi bị BCT phạt.
Hỏi: Thông báo website bán hàng với BCT có phải đóng thuế nhiều lên không?
Đáp: Hoạt động thông báo website bán hàng không làm phát sinh thêm tiền thuế doanh nghiệp phải đóng. Mục đích của việc thông báo là minh bạch hóa thông tin cam kết sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp lên mạng Internet.
Hiện nay, trên mạng xã hội có thông tin cơ quan thuế gửi thông báo đến người bán hàng trên mạng (chỉ những đối tượng bán hàng qua facebook) để thu thuế. Những người bán hàng trên mạng xã hội có doanh thu lớn nhưng không thực hiện đăng ký kinh doanh, không thực hiện nộp thuế kinh doanh cho nhà nước. Vì vậy cơ quan thuế thực hiện thông báo đến người bán hàng trên mạng đến trụ sở để kê khai nộp thuế.
Đối với doanh nghiệp đã thực hiện nộp đầy đủ các loại thuế như môn bài, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng thì không phải nộp thêm bất kỳ khoản nào khác.
Hỏi: Các mức tiền bị phạt vì không đăng ký BCT?
Đáp:
Theo chi tiết Mục 11, điều 81 khoản 2,3,4,5, nghị định số 185/2013/NĐ-CP, cá nhân, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các mức phạt cụ thể nếu vi phạm 1 trong các hành vi sau đây:
-
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
-
Nếu bạn không hoàn thành dịch vụ khai báo Bộ Công Thương theo quy định khi lập website thương mại bán hàng.
-
Khi có bất cứ thay đổi, bổ sung thông tin trong website đã đăng kí mà không thông báo với cơ quan nhà nước. vì vậy, nếu không muốn mất 20 triệu đồng, hãy khai báo bộ công thương ngay web của bạn.
-
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu:
-
Lập website thương mại điện tử khi chưa xác nhận đăng kí theo quy định của nhà nước.
-
Không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không đăng kí lại tên miền khi chuyển nhượng website thương mại điện tử.
-
Dịch vụ thương mại điện tử bị sai lệch với hồ sơ đăng kí.
-
Cung cấp thông tin sai lệch khi đăng kí website thương mại điện tử.
-
Website thương mại điện tử chứa thông tin đăng kí giả mạo.
-
Sau khi bị hủy bỏ đăng kí hoặc bị chấm dứt dịch vụ khai báo Bộ Công Thương, cá nhân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
-
Xử phạt bổ sung
Nếu doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các quy định ở khoản 1 và các mục a, b, c, d ở khoản 2 (tái phạm nhiều lần) sẽ bị đình chỉ hoạt động thương mại trong 6 đến 12 tháng.
Hỏi: Cá nhân khi thông báo website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng với Bộ Công Thương (BCT) thì có bắt buộc phải là "Hộ kinh doanh cá thể" mới có thể hoàn tất hồ sơ không? Hay chỉ cần cá nhân có mã số thuế là có thể đăng ký thành công bình thường?
Đáp:
Có 2 trường hợp: thành công hoặc không thành công xảy ra
- Trường hợp thành công: Cá nhân không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh
Cụ thể Điều 3 Nghị định Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định các đối tượng không phải xin giấy đăng ký kinh doanh như: Buôn bán rong; Buôn bán vặt; dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa.... không có địa điểm cố định. Vì vậy, cá nhân thuộc đối tượng trên thì không cần có giấy phép đăng ký kinh doanh mà vẫn thông báo thành công website TMĐT bán hàng với BCT bình thường. Lưu ý rằng, thay vì phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, những cá nhân này bắt buộc phải có mã số thuế thu nhập cá nhân mới thực hiện thông báo thành công được.
- Trường hợp không thành công: Cá nhân thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh
Nếu cá nhân thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh mà không thực hiện đăng ký theo quy định. Khi thực hiện thông báo website TMĐT đến BCT thì BCT sẽ thông báo trả lại, yêu cầu cá nhân đó phải bổ sung giấy đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp). Sau khi cá nhân có giấy phép đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp) tiến hành thông báo thành công website TMĐT như bình thường./.
Hỏi: Làm gì khi hồ sơ thông báo website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng không phê duyệt?
Đáp: Thông thường, doanh nghiệp sẽ tự làm thủ tục đăng ký, thông báo website TMĐT đang sử dụng với Bộ Công Thương (BCT). Và thường, các hồ sơ này khi đăng ký, thông báo đều bị BCT trả lại hồ sơ. Nguyên nhân chủ yếu là do website của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định đối với một website TMĐT bán hàng. Dẫn đến, khi doanh nghiệp gửi hồ sơ lên Bộ Công Thương sẽ bị trả về với một số lỗi chính như: không có chính sách điều khoản chung, chính sách vận chuyển, chính sách thanh toán, chính sách bảo mật thông tin….
- Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần đọc kỹ các quy định từ điều 27 đến 34 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử để tự mình hoàn thiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp miễn phí. https://website500k.com/lien-he hoặc gởi mail vào hotro@website500k.com